Lịch sử Opera Việt Nam

Một phần của loạt bài về
Âm nhạc Việt Nam
Âm nhạc cổ truyền
Tân nhạc
Giải thưởng

Thời Pháp thuộc

Đông Dương, chính quyền thực dân Pháp quan tâm đến sứ mệnh khai hoá văn minh nên đã cho xây dựng ba nhà hát lớn. Nhà hát Lớn Sài Gòn hoàn thành năm 1897. Nhà hát Lớn Hải Phòng được xây dựng năm 1904 và khánh thành năm 1912. Khi người Pháp dời thủ đô về Hà Nội năm 1887, nhà hát lớn nhất được xây dựng ở đó vào năm 1901, dù mãi đến năm 1911 mới được khánh thành. Pháp đã đặt sứ mệnh của nước thuộc địa là xây dựng những nhà hát lớn và tài trợ cho các mùa diễn của họ liên quan đến việc ký hợp đồng và mời các đoàn hát nhạc kịch từ Pháp sang nước thuộc địa biểu diễn.[1] Hầu hết các nhà sử học về chủ nghĩa thực dân Pháp không đề cập đến opera hay các thể loại sân khấu phương Tây trong các cuộc thảo luận của họ về công cuộc khai phá văn minh. Thông thường, họ tập trung vào việc xây dựng mạng lưới giao thông, cơ sở hạ tầng đô thị và các công trình công cộng khác. Tuy nhiên, người Pháp sống ở Đông Dương đã nhận thức được tầm quan trọng trong việc dàn dựng opera và nghệ thuật sân khấu khác trong thuộc địa mà họ đô hộ. Những buổi biểu diễn opera như vậy không chỉ đại diện cho thành tựu lịch sử của Pháp mà còn như một lời nhắc nhở cộng đồng người bản địa về lòng trung thành với nước Pháp và về những giá trị mà họ mong muốn duy trì. Vì vậy, việc giới thiệu opera đến Đông Dương vẫn là nhằm để phục vụ cho việc khai phá văn minh.[2]

Sài Gòn

Opera đã xuất hiện tại Việt Nam từ thời Pháp thuộc thông qua một số hoạt động biểu diễn tại Nhà thờ Công giáo và một số nhà hát. Trong thập niên năm 1860 và 1870, Sài Gòn đã có nhiều buổi biểu diễn nghệ thuật của người Pháp, chủ yếu là múa ballet và opera do chính quyền Sài Gòn tài trợ.[3] Vở opera cổ điển phương Tây đầu tiên được biểu diễn tại Sài Gòn là Les deux aveugles của Jacques Offenbach, ngay khi người Pháp mới đến Sài Gòn năm 1864.[4] Hàng năm, hội đồng thành phố này đều chỉ định ngân sách và các yêu cầu khác cho mùa biểu diễn, đồng thời phải chọn một đạo diễn, người có nhiệm vụ mời các ca sĩ và nhạc sĩ từ Pháp qua biểu diễn. Các vở opera được chọn "một cách khá bảo thủ", nhưng trong năm 1894, 12 vở được mua lại thì có 7 vở mới vừa biểu diễn tại Paris.[4]

Từ năm 1898, hội đồng thành phố Sài Gòn đòi hỏi phải có "ít nhất 5 opera hài kịch và 5 operetta chưa được biểu diễn tại Sài Gòn trong 3 năm qua" hoặc "các tác phẩm nổi tiếng và mới ra mắt tại Pháp".[4] Ban đầu khi chưa có nhà hát, những buổi biểu diễn này phải tạm diễn tại dinh các đô đốc gần công trường Đồng Hồ (ngày nay là giao lộ Đồng Khởi). Năm 1894, công trình mới mà về sau là Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng trên bản thiết kế của Eugène Ferret theo lối kiến trúc thời Đệ tam Cộng hòa Pháp.[3] Đích thân Camille Saint-Saëns đã ghé thăm Sài Gòn năm 1895 và xem một cuộc biểu diễn, tuy nhiên ông cảm thấy "có chút thất vọng". Nhưng nhà soạn nhạc này đã kỳ vọng tác phẩm Phryné của mình sẽ được biểu diễn tại đây. Mùa biểu diễn năm 1900-1901 gồm nhiều tác phẩm mới, trong đó có vở La bohème của PucciniSamson và Delilah của Saint-Saëns.[4] Vở diễn đầu tiên tại nhà hát là La Navarraise của Jules Massenet và đã giành được "thành công vang dội", đặc biệt đối với lính mới trở về từ chiến dịch ở Trung Quốc.[4] Năm 1924, nhà hát lớn Sài Gòn nhận số tiền tài trợ lên đến 800.000 franc, cao hơn tất cả các nhà hát khác ở mẫu quốc trừ Paris OperaOpéra-Comique.[5] Năm 1932, đoàn hát opera San Carlo Opera Company từng hoạt động nửa đầu thế kỷ 20 ở Mỹ đã thực hiện chuyến lưu diễn ở hai thành phố Sài Gòn và Hà Nội. Đoàn hát này dù chỉ thực hiện chuyến lưu diễn 8 ngày nhưng đã nhận được sự "hoan nghênh" từ công chúng.[6] Thời chiến tranh Đông Dương, các tờ báo ở Sài Gòn thường gọi các loại hình nghệ thuật như tuồng, cải lương là "opéra".[7][8]

Hà Nội

Do tầm quan trọng của nghệ thuật biểu diễn trong văn hóa châu Âu, âm nhạc và kịch Pháp đến Hà Nội gần như song song với chính quyền cai trị thực dân. Những bản kịch thời sự dần được công diễn ở đó vào đầu năm 1884, và các nghệ sĩ biểu diễn người Pháp đã đi lưu diễn ở Châu Á sớm bắt đầu coi Hà Nội là điểm dừng chân trong các chuyến lưu diễn của họ. Hầu hết những buổi biểu diễn này dường như là những buổi biểu diễn âm nhạc giải trí còn khiêm tốn về mặt quy mô, giống những buổi hòa nhạc ở quán cà phê tại Paris hơn là những buổi biểu diễn sân khấu trang trọng. Tuy nhiên, những sự thay đổi này đã thúc đẩy sự thèm muốn của những người Pháp xa xứ ở Hà Nội với như cầu được xem những tác phẩm có quy mô dàn dựng công phu hơn.[2] Nỗ lực đầu tiên để tổ chức một mùa diễn opera bắt đầu vào đầu năm 1890, khi một đoàn 14 nghệ sĩ đến Hà Nội với người lãnh đạo là De Greef, giám đốc nhà hát lớn Sài Gòn. Họ mượn nghệ sĩ từ đội ngũ của đoàn kịch Sài Gòn, trình bày những tác phẩm tiêu biểu của Gounod, Massé, Offenbach cùng những nhà soạn nhạc nổi tiếng khác. Đoàn kịch đã hoạt động thành công, nhưng chỉ tồn tại trong vài tuần.[9]

Những vở opera của Saint-Saëns cùng với nhiều tác phẩm khác vẫn còn được biểu diễn đến năm 1910.[4] Nhà hát lớn Hà Nội cũng là một công trình lớn mà Chính quyền thực dân Pháp cho xây dựng trong những năm đầu thế kỷ 20. Sau khi hoàn thành, nhà hát được sử dụng làm nơi biểu diễn các loại hình nghệ thuật cổ điển phương Tây như âm nhạc thính phòng, kịch nói, trong đó có cả opera, phục vụ chủ yếu cho tầng lớp quan lại thượng lưu người Pháp và một số ít người Việt giàu có.[10] Một số vở opera được biểu diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội khi mới được khánh thành năm 1911 có thể kể đến một số vở nổi tiếng của Franz Lehár, Gustave Charpentier, Georges Bizet, Charles Gounod...[11] Trong thời điểm giữa hai cuộc thế chiến, chính quyền Đông Dương đã không còn tài trợ biểu diễn như trước nữa và cũng ít có mối quan tâm hơn, nhưng opera vẫn tiếp tục được biểu diễn cho đến sự kiện Nhật đảo chính.[11] Theo nghiên cứu gia Michael McClellan, sự có mặt của opera ở Hà Nội đã khiến khoảng cách—trong địa lý, xã hội và văn hóa—giữa thuộc địa và nước Pháp trở nên rõ rệt hơn. Nhà hát lớn Hà Nội là một công trình do chính quyền Pháp xây dựng vốn là một biểu tượng của quyền lực nước Pháp, nhưng nó không được sử dụng thường xuyên đi kèm với các yếu tố như những vở opera có quy mô hạn chế và sự hờ hững của dân địa phương đã khiến biểu tượng quyền lực của Pháp bị lung lay và cho thấy các sai sót trong chính sách cai trị của đế quốc thực dân Pháp. Đồng thời, nó đặt ra nhiều nghi vấn về chủ nghĩa thực dân thay vì đưa ra câu trả lời.[12]

Sự ra đời của opera Việt Nam

Cụm từ "opera của Việt Nam" hay "opera truyền thống" được một số nguồn nghiên cứu nhắc đến tương đương với nghệ thuật hát tuồng, một loại hình nhạc kịch dân gian lâu đời của Việt Nam.[13][14] Cũng có nguồn nghiên cứu khác từ sách của tác giả Dennis Bloodworth đưa ra thông tin liên quan đến "soap opera" tại Việt Nam, một khái niệm chỉ kịch xà phòng.[15] Tuy vậy, xét theo đúng nghĩa loại hình nghệ thuật nhạc kịch của phương Tây, opera của Việt Nam chỉ mới ra đời vào thế kỷ 20 trong khoảng thời gian kết hợp giữa hai yếu tố nội sinh và ngoại sinh trong bối cảnh Xã hội Chủ nghĩa.[16] Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Tú Ngọc, yếu tố nội sinh được cho là đến từ sự tích luỹ về khát vọng, kinh nghiệm và thành tựu của những nhạc sĩ trong lĩnh vực ca cảnh, ca kịch từ những giai đoạn trước. Yếu tố ngoại sinh đến từ mẫu hình kịch hát cổ điển châu Âu được phổ biến tại quốc gia này nửa sau thế kỷ 20.[16] Theo nghiên cứu từ công trình "Âm nhạc mới Việt Nam: tiến trình và thành tựu" từ Tú Ngọc, opera của Việt Nam hình thành dưới chế độ Xã hội Chủ nghĩa kể từ nửa sau thế kỷ 20. Một số mẫu hình kịch hát cổ điển châu Âu đã được phổ biến cuối những năm 1950 và 1960 qua các vở Evgeny Onegin của Nga[17] và Núi rừng hãy lên tiếng của Triều Tiên.[16] Dù vậy, sự hiện diện của opera tại đất nước này đã xuất hiện từ sớm hơn ở đầu thế kỷ 20, trong đó có các hoạt động ca đoàn ở nhà thờ Công giáo và biểu diễn nghệ thuật tại một số nhà hát lớn.[18][10]

Sự hiện diện của những vở kịch nước ngoài trên sàn diễn Việt Nam và do các nghệ sĩ Việt Nam dàn dựng, biểu diễn chỉ là nhân tố kích thích, trong khi sự rèn luyện kỹ năng, lĩnh hội tri thức nghề nghiệp của nhạc sĩ đối với thể loại này mới mang lại ý nghĩa quan trọng cho sự ra đời của opera Việt Nam.[16] Theo đó, opera Việt Nam được xem là sản phẩm của người Việt được tiếp thu từ tinh hoa âm nhạc nói chung và nghệ thuật opera nói riêng của châu Âu trên cơ sở nền tảng âm nhạc truyền thống.[19] Với vở ca kịch đầu tiên là "Tục lụy" sáng tác năm 1943 của Lưu Hữu Phước, ca kịch và ca cảnh đã phát triển phong phú hơn ở các thời kỳ chiến tranh Đông Dương, chiến tranh Việt Nam và có ảnh hưởng đến sự ra đời của opera Việt Nam. Theo Nguyễn Thị Tố Mai (2010), qua ca cảnh và ca kịch, các nhạc sĩ miền Bắc Việt Nam đã được rèn luyện viết âm nhạc sân khấu theo phong cách phương Tây trước khi đến với thể loại opera.[19]

Theo nhận định khác từ luận án của Nguyễn Thị Huyền Nga, một đạo diễn sân khấu kịch phương Tây, cô cho rằng trong thời kì chiến tranh Đông Dương, ngoài ca khúc là lĩnh vực chủ yếu thì ca cảnh và ca kịch đã đạt những thành tựu nhất định, song nền khí nhạc dường như chưa có sự chuyển biến đáng kể nên chưa thể đáp ứng được yêu cầu cho thể loại opera. Đội ngũ các nhạc sĩ sáng tác chưa cũng có sự chuyên môn hóa. Ngoài ra, trình độ của người biễu diễn, công chúng thưởng thức cũng là những yếu tố chưa thể đáp ứng cho sự ra đời opera ở thời kỳ này.[20] Để thể loại opera thuần Việt được ra đời, nền âm nhạc Việt Nam buộc phải có đủ các yếu tố như trình độ của người soạn nhạc, trình độ của các nghệ sĩ biểu diễn, thậm chí là cả trình độ thưởng thức âm nhạc của khán giả.[19] Tới thời kì chiến tranh Việt Nam, nền âm nhạc nước này mới đáp ứng các yếu tố để ra đời nghệ thuật opera. Sau một thời gian dài, nghệ thuật opera tại do người Việt sáng tác đã đạt được một số thành tựu nhất định. Nhiều vở opera được viết, dàn dựng và biểu diễn bên cạnh những vở opera nổi tiếng trên thế giới. Điều này giúp có thêm thành phần những người biểu diễn và giảng dạy được hình thành cho đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp.[21]

Theo nhiều tài liệu xuất bản thuộc quản lí của Nhà nước Việt Nam, năm 1965, vở opera đầu tiên – Cô Sao của Đỗ Nhuận đã được dàn dựng và biểu diễn, đánh dấu sự ra đời của opera Việt Nam mà chính quyền nước này khẳng định.[22] Ý định viết một vở opera của Đỗ Nhuận đã được ông ấp ủ từ những năm đầu thập niên 1950, mà thời đó ông đã viết được nhiều bản ca kịch ngắn.[23] Qua đó, Đỗ Nhuận đã đóng vai trò đặc biệt và có vị trí lớn trong sự khởi đầu của loại hình nghệ thuật tổng hợp này tại Việt Nam.[24][25] Cô Sao, về sau còn được đổi thành A Sao,[26] được ra mắt công chúng lần đầu vào ngày 2 tháng 9, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tham gia vở diễn là dàn nghệ sĩ đáng chú ý của nền thanh nhạc Việt Nam lúc bấy giờ như Quý Dương, Ngọc Dậu, Trung Kiên, Quang Hưng[27] Đã có một số tham luận, bài viết liên quan trực tiếp đến quá trình hình thành và phát triển nghệ thuật opera Việt Nam như tham luận hội thảo Khoa Thanh Nhạc 30 Năm (năm 1986) của Trung Kiên. Cùng năm, ông cũng có tên trong một bài tham luận khác có khuôn khổ lớn và bao quát rộng hơn mang tên "Những bước phát triển của 3 dòng ca hát" tại khuôn khổ Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động ngành ca múa nhạc.[28]

Tuy nhiên, kể từ sau khi Việt Nam giành được thống nhất năm 1975, sân khấu nhạc mới chuyển dần sang xu hướng kịch hát khiến cho các sáng tác opera hầu như biến mất trong khoảng thời gian dài. Nguyên nhân được cho là do hoàn cảnh lịch sử xã hội thay đổi dẫn đến thay đổi quan điểm sáng tác. Một nguyên nhân khác cũng được chỉ ra là việc đầu tư cho opera rất tốn kém bởi tính "đồ sộ" của một vở diễn.[19]

Thời kì sau chiến tranh Đông Dương và chiến tranh Việt Nam

Sau khi miền Bắc Việt Nam giành được độc lập vào năm 1954, việc biểu diễn các vở kịch nói, ca cảnh, ca kịch, tuồng, chèo, cải lương là một nguồn sự thúc đẩy thêm cho sự biểu diễn opera ở Việt Nam. Hoạt động biểu diễn còn được thể hiện trong các chương trình hợp tác quốc tế. Những buổi biểu diễn các vở opera nước ngoài đã tạo thêm động lực cho các ca sĩ và nhạc sĩ Việt Nam đối với nghệ thuật opera. Năm 1961, Đoàn Ca Múa nhân dân Trung ương cùng với Trường Âm nhạc Việt Nam và Dàn nhạc giao hưởng Đài Tiếng nói Việt Nam với sự giúp đỡ của một chuyên gia thanh nhạc Liên Xô đã dựng và biểu diễn vở opera Evgeni Onegin của Tchaikovsky. Năm 1964, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã biểu diễn vở Núi rừng hãy lên tiếng của Triều Tiên.[19] Onegin do Quý Dương và Gremil do Trần Hiếu thể hiện, ngoài ra còn có Ngọc Dậu, Trần Chất và nhiều người khác cùng tham gia. Lần đầu đã không đạt được kết quả như mong muốn, mới chỉ là sự giới thiệu loại hình nghệ thuật còn mới lạ đến với công chúng Việt Nam, nhưng đã thúc đẩy cho sự phát triển sau này.[29] Đó là những vở opera đầu tiên các nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn.[19] Đây được xem là bước hội nhập đầu tiên của người Việt đối với nghệ thuật opera, và trở thành tiền đề cho quá trình xây dựng nền nghệ thuật opera mang tính chiến lược lâu dài. Bên cạnh đó, nhiều vở khác đã được dàn dựng và biểu diễn nhưng không được thu âm lại, qua đó không còn tư liệu lưu giữ đến ngày nay.[30]

Đối với miền Nam Việt Nam, vở Hansel and Gretel đã được biểu diễn tại Sài Gòn vào tháng 10 năm 1970 là vở opera đầu tiên được biểu diễn tại thành phố trong hơn 30 năm.[31] Vở diễn này là để gây quỹ cho nghệ thuật hát bội.[32] Nhưng trước đó trong giai đoạn 1954 đến 1960 cũng đã diễn ra một số hoạt động truyền bá ca nhạc kịch gây tiếng vang lớn thu hút đông đảo người dân, đặc biệt là tầng lớp sinh viên trí thức Sài Gòn tham gia. Những vở ca nhạc kịch yêu nước và lịch sử từ chế độ Xã hội Chủ nghĩa ở miền Bắc đều mang lại tác dụng nâng cao tinh thần yêu nước, dân tộc cho học sinh.[33] Trong hoàn cảnh chiến tranh Việt Nam diễn ra khốc liệt, đã từng có nỗ lực từ miền Bắc Việt Nam muốn truyền bá opera vào miền Nam nhưng gặp nhiều khó khăn về điều kiện và phương tiện để dàn dựng một vở opera.[34] Vở opera được ghi nhận ra đời trong hoàn cảnh này là Bông sen của Hoàng Việt, được sáng tác năm 1967, không lâu sau trước khi ông qua đời trong chiến trường.[35] Dù được biểu diễn nhưng Bông sen đã được chuyển từ thể loại opera xuống một hình thức nhạc cảnh nhỏ để phục vụ văn nghệ.[36]

Sau khi miền Nam giành được độc lập năm 1975, khu vực này đã tiếp nhận văn hóa cùng dòng nhạc bác học với miền Bắc.[37] Sự thống nhất hai miền Bắc và Nam của Việt Nam cùng chính sách Đổi Mới cũng đã kéo theo sự hồi sinh của opera phương Tây tại Hà Nội, trong đó có sự kiện một tổ chức truyền bá văn hóa của Pháp mang tên Alliance française tài trợ 14 triệu đô la Mỹ cho việc trùng tu Nhà hát lớn Hà Nội.[11]

Năm 1978, nhà soạn nhạc người Pháp gốc Việt Nguyễn Thiên Đạo sáng tác vở opera mang tên Mỵ Châu – Trọng Thủy, đánh dấu tên tuổi của bản thân nhạc sĩ trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển đương đại của thế giới. Đây được xem là vở nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam được thế giới biết đến như một tác phẩm "mang tiếng nói dân tộc đặc sắc và thủ pháp biểu hiện mới mẻ".[38]

Thời kì Đổi Mới

Đến những năm 1990, opera Việt Nam được biểu diễn tới công chúng nhờ vào sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như Thuỵ Điển, Hội đồng Anh... nhưng vào thời điểm này, những vở opera thuần Việt dường như không xuất hiện mà chỉ có các tác phẩm nước ngoài.[39] Đứng trước bối cảnh các dòng nhạc dân tộc và dòng nhạc bác học bị lép vế trước dòng nhạc trẻ, opera cũng chỉ được dàn dựng một cách "lác đác" với phần giao hưởng và hợp xướng.[40]

Thời kì hiện đại

Tại các quốc gia phát triển, opera là một trong những môn nghệ thuật được xem trọng. Tuy vậy tại Việt Nam, opera cũng như các loại hình nghệ thuật bác học khác như ballet thời điểm đầu thế kỷ 21 đang đứng trước nhiều thách thức và vướng mắc từ biểu diễn, sáng tác đến dàn dựng.[39] Tới đầu thế kỷ này, khái niệm opera vẫn mới chỉ được xem là "đơn giản và rất mơ hồ" với nhiều người dân.[41] Khoảng thời gian chạm đỉnh của opera Việt Nam trong thời kỳ này đã có sự giúp sức gần như tối đa từ tài chính đến nhân lực của Nhà nước Việt Nam cũng như các nước như Nga, Đức, Pháp, qua đó có những tác phẩm như 3 vở opera trong cuộc đời của Đỗ Nhuận; Bên bờ K’rông Pa của Nhật Lai, Bông sen của Hoàng Việt. Thập niên 2010, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã cho dựng một số vở opera. Dù đôi lúc opera được trình diễn trên sân khấu ở Hà NộiThành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam vẫn chưa thực sự có một nền nghệ thuật opera chuyên nghiệp, ổn định. Số nhạc sĩ sáng tác opera không nhiều nên chủ yếu chỉ dàn dựng được những tác phẩm mang tính kinh điển của nước ngoài. Bên cạnh đó, đây cũng là thể loại nghệ thuật kén khán giả hơn là âm nhạc đại chúng, trong khi để dàn dựng và một biểu diễn opera vẫn còn vướng mắc vấn đề tài chính eo hẹp. Việt Nam vẫn chưa có cơ hội thuận lợi cho opera phát triển. Do đó, việc sáng tác và biểu diễn opera trở nên "xa xỉ" tại Việt Nam, khiến loại hình này gần như vắng bóng.[42][41] Để opera tại nước này phát triển, một số cuộc thi đã được tổ chức nhưng được nhận định vẫn chưa có nhiều hiệu quả.[43]

Dàn dựng

Ca sĩ opera Hương Diệp cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đang trình bày aria "Em nghĩ sao không ra" trích từ vở "Cô Sao" của Đỗ Nhuận năm 2017

Theo một nguồn tin từ tổ chức Hội Âm nhạc Hà Nội, để dàn dựng được một vở nhạc kịch tại Việt Nam là "một thách thức lớn", trong đó cần có sự đầu tư về chuyên môn, nhân lực, kinh phí và thời gian dài và phải đảm bảo 3 vấn đề cơ bản: Nội dung (tác phẩm được dàn dựng), Biểu diễn và Tổ chức.[44] Các đạo diễn người Châu Âu đã có những sáng tạo nghệ thuật trong quá trình dàn dựng các tác phẩm opera cổ điển của thế giới tại Việt Nam ngày nay, đưa hình thức nghệ thuật này gần gũi với sự tiếp nhận của khán giả Việt Nam hiện đại, đồng thời vẫn phổ biến được các giá trị nghệ thuật của thể loại nhạc kịch này.[45] Ngược lại, trong dàn dựng sân khấu, phong cách dàn dựng của opera cũng được một nghiên cứu đề xuất khai thác để áp dụng vào loại hình nghệ thuật truyền thống của nước này như chèo.[46] Một vấn đề khác được đặt ra rằng, số tiền đầu tư cho một tác phẩm opera tại Việt Nam được xem là không đáng kể so với những khoản kinh phí được cấp cho các lễ hội và các dự án đầu tư vào các loại hình âm nhạc truyền thống được vinh danh di sản thế giới. Mặt khác, không có vở opera nào được ngành văn hóa Việt Nam đặt hàng để xúc tiến loại hình nghệ thuật này.[39] Những vở opera có sức ảnh hưởng trên thế giới như Cây sáo thần, Cosi fan tutte hay La Boheme đều mất tổng số kinh phí lên đến hàng tỷ Đồng trở lên. Tuy nhiên, có những vở khi công diễn chỉ thu về lợi nhuận không tới 50 triệu Đồng.[39]

Năm 2005, một tác phẩm được sáng tác và dàn dựng theo hơi hướng opera mang tên Đất nước đứng lên của An Thuyên được công diễn, được xem là sự trở lại của opera thuần Việt sau nhiều năm.[47] Vở diễn được chia thành 6 màn, chủ yếu có nội dung ca ngợi về truyền thống cách mạng và cứu quốc tại khu vực Tây Nguyên.[48] Tuy vậy, Đất nước đứng lên dù được sáng tác như một vở opera nhưng đã bị nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc góp ý cũng như đặt ra nghi vấn "chưa thể gọi là opera" vì sự thiếu sót về phần âm nhạc như việc vở diễn không có ouverture, chưa có sự tách bạch về ca nhạc và múa,...[49] Thậm chí tác phẩm này còn dính nghi vấn bản quyền khi dàn dựng trên nguyên tác của Nguyên Ngọc mà chưa được sự đồng ý của tác giả.[50]

Năm 2006, Cây sáo thần của Mozart được dàn dựng tại Việt Nam, được coi là một trong những sự kiện âm nhạc lớn nhất diễn ra tại nước này trong năm, cũng là cơ hội giúp đánh thức "tiềm năng âm nhạc cổ điển cho đất nước".[51] Năm 2012, vở Cô Sao được phục dựng và tái biểu diễn, mang nhiều ý nghĩa với nền âm nhạc nước này khi lần đầu nhiều người dân Việt Nam được xem một loại hình nghệ thuật có tính chất quốc tế như opera.[52][53] Năm 2016, Carmen – vở nhạc kịch được xem là nổi tiếng nhất của Pháp và là một trong những vở được diễn nhiều nhất trên thế giới, đã ra mắt công chúng Việt Nam tại Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh.[54] Mặc dù gặp những khó khăn trước mắt trên con đường phát triển và đưa opera đến gần với công chúng Việt hơn, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam đã đưa vở Maria de Buneos Aires lên sân khấu Nhà hát Lớn với một phong cách mới, đặc biệt là việc đưa dàn nhạc lên sân khấu để tương tác trực tiếp với ca sĩ và dàn diễn viên múa. Chương trình đã thu hút được khán giả thông qua truyền thông, báo chí. Nhiều bài viết, chương trình truyền hình phân tích về tác phẩm này, giúp kéo khán giả Việt đến với opera nhiều hơn.[39]

Đối với hoạt động của opera Việt Nam tại hải ngoại, tác giả Phan Quang Phục đã cho ra mắt một số vở opera khác nhau viết bằng tiếng Anh. Tháng 2 năm 2014, tại thành phố Bloomington, tiểu bang Indiana, vở opera tiếng Anh The Tale of Lady Thị Kính dựa trên vở chèo cổ Quan âm Thị Kính của Việt Nam do ông sáng tác đã được trình diễn 4 ngày trên sân khấu hơn 1000 ghế ngồi của Đại học Indiana.[55] Tác phẩm có thời lượng 135 phút với sự góp mặt của dàn nhạc giao hưởng, dàn hợp xướng và 15 vai diễn, toàn bộ phần lời hát bằng tiếng Anh nhưng được xem là lần đầu tiên, có hai bài hợp xướng được hát bằng tiếng Việt trong một vở opera được dàn dựng và biểu diễn trên sân khấu nhạc kịch thế giới.[56] Trước đó, nhà soạn nhạc này cũng từng cho ra mắt vài cảnh của vở opera 120 phút Lorenzo de' Medici vào năm 2007 với phần nhạc được yêu thích nhưng phần nội dung không gây được ấn tượng.[57] Năm 2018, Phan Quang Phục tiếp tục công bố vở opera mới mang tên Trong bụng ngựa (tựa tiếng Anh là What the Horse Eats). Vở opera gồm 5 màn, được viết như một vở nhạc kịch lớn nhưng được dàn dựng là một vở nhạc kịch thính phòng. Trong bụng ngựa được nhận xét "tràn đầy những điệu nhạc gợi cảm và đầy cảm xúc".[58]

Đầu thập niên năm 2020, chỉ mới vài vở opera Việt Nam được khôi phục, dàn dựng trên sân khấu trong vài năm gần đây. Việc khai thác các tiết mục thanh nhạc trong các vở opera Việt Nam để biểu diễn còn chưa nhiều, qua đó thể hiện sự quan tâm chưa đúng mức đến thể loại này.[21] Năm 2022, buổi công diễn vở Công nữ Anio được công bố tại Việt Nam sẽ được tổ chức dự kiến vào tháng 9 năm 2023 tại nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là dự án trọng tâm trong sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam.[59] Vở opera này đã được công diễn nhiều lần tại Hà Nội, 1 lần tại Hưng Yên và 1 lần tại Tokyo, Nhật Bản. 4 buổi công diễn tại Việt Nam đã để lại "những ấn tượng và tình cảm tốt đẹp" đối với người dân.[60] Trong đó, buổi công diễn đầu tiên tại Việt Nam có sự tham dự của Thân vương Fumihito và Hoàng tự phi Kiko.[61] Năm 2023, một vở opera của một đạo diễn người Pháp gốc Việt soạn mang tên tiếng Việt là Khung cảnh lãng quên được công diễn tại Việt Nam nằm trong khuôn khổ sự kiện kỷ niệm "50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam và Pháp". Vở opera này có sự kết hợp cải lương với nhạc kịch Pháp và được thể hiện bằng 3 thứ tiếng Anh, Pháp, Việt.[62][63]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Opera Việt Nam https://www.vnam.edu.vn/NewsDetail.aspx?lang=&Item... https://web.archive.org/web/20221003105919/https:/... https://www.worldcat.org/oclc/682149444 https://www.worldcat.org/title/682149444 https://www.google.com.vn/books/edition/Viet_Nam/m... https://www.vnam.edu.vn/NewsDetail.aspx?lang=&Item... https://books.google.com.vn/books/about/Acting.htm... https://www.vnam.edu.vn/rs/Document/2015-LeThiMinh... https://cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/oper... https://web.archive.org/web/20230103052724/https:/...